fbpx

Đặc điểm văn hóa con người Canada

– Xứ sở của cây lá phong đỏ: Cây phong, hay cụ thể là lá phong được coi như linh hồn của xứ sở Canada do sự hiện diện không ngừng nghỉ của nó trong đời sống văn hóa, kinh tế và xã hội. Nhờ có loài thực vật này, Canada mới sản xuất được thứ siro lá phong nổi tiếng, xuất khẩu tới 50 quốc gia và đây là  một trong những ngành quan trọng của đất nước. Ngoài ra, những rừng phong đỏ lá vào mùa thu đẹp như mơ cũng là thứ yếu tố thu hút du khách hàng đầu của đất nước lớn thứ 2 Bắc Mỹ. Năm 1965, nó trở thành họa tiết chủ đạo trên quốc kỳ nước này và được chính thức được coi như biểu tượng đặc trưng của Canada trong mắt bạn bè quốc tế vào năm 1996.

– Tiếng Anh và tiếng Pháp là hai ngôn ngữ chính: Hai ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất ở Canada là tiếng Anh và tiếng Pháp. Gần 60% người dân của quốc gia này sử dụng tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tiếng Pháp được sử dụng bởi 22% dân số. Đại đa số người nói tiếng Pháp sống tại tỉnh bang Quebec, tiếp đến là các tỉnh bang Ontario, New Brunswick và Manitoba. Bên cạnh đó, một số ngôn ngữ của các thổ dân cũng được xem là ngôn ngữ chính thức tại các lãnh thổ tự trị, đặc biệt là tiếng Inuktitut.

– Ẩm thực: Quốc gia này không có món ăn đại diện, ẩm thực cũng phụ thuộc vào từng vùng. Tuy vậy, poutine (khoai chiên ăn kèm nước sốt thịt và phô mai) và bánh tart bơ được coi là những món “quốc hồn quốc túy” của xứ sở lá phong, được bày bán ở trong nhà hàng cũng như mọi “hang cùng ngõ hẻm” trên đất nước này.

– Nghệ thuật và kiến trúc: Về kiến trúc, ảnh hưởng của  Pháp và Anh mang đến Canada âm hưởng của các trào lưu như Baroque, New England, phong cách Victoria và Gothic cổ điển. Kiến trúc kiểu lâu đài được ứng dụng trên vô số tòa nhà công, chẳng hạn như trụ sở Tòa án Tối cao. Đến thời hiện đại, xu hướng tối giản, hiện đại và đơn sắc lại “thống trị” dòng kiến trúc chủ đạo tại Canada, thể hiện qua công trình Telus Sky ở Calgary và Fifth Pavilion của Bảo tàng Mỹ thuật Montreal.

– Văn hóa giao tiếp ứng xử: Người Canada nổi tiếng với sự lịch thiệp, nhẹ nhàng và tinh tế trong những cuộc giao tiếp thường nhật. Câu “Xin lỗi” và “Cảm ơn” xuất hiện khá thường xuyên trong văn hóa giao tiếp của họ, được xem như là một thói quen hằng ngày của người dân nơi đây. Với họ, lời xin lỗi không có nghĩa là vì họ có lỗi mà đó là sự tôn trọng trong mối quan hệ.

– Xứ sở của những lễ hội: Canada được mệnh danh là xứ sở của những lễ hội. Mỗi thời điểm trong năm, tại mỗi vùng miền đều có những lễ hội mang nét đặc trưng văn hoá riêng, thể hiện rất nhiều truyền thống tươi đẹp của đất nước ở vùng Bắc Mỹ này. Những lễ hội được tổ chức tại đây thường rất sôi động, sặc sỡ và thu hút, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

  • Lễ hội Di sản (Heritage Festival)

Lễ hội Di sản có quy mô vô cùng lớn với sự giao lưu hơn 80 nền văn hóa khác nhau trên thế giới, được tổ chức thường niên vào khoảng tháng 8 và diễn ra trong 3 ngày. Tại đây, mọi người sẽ giao lưu, giới thiệu nền văn hóa quê hương của mình  tại các khu trưng bày/thưởng thức ẩm thực hay các khu biểu diễn bằng những điệu múa đặc trưng của các tỉnh bang.

  • Lễ hội thi bắn pháo hoa (Celebration of Light)

Đây là một trong những sự kiện mang tầm cỡ quốc tế và uy tín nhất, diễn ra tại thành phố Vancouver của Canada vào 25/7 hằng năm và kéo dài trong vòng 4 ngày. Du khách sẽ phải trầm trồ bởi độ hấp dẫn, đa dạng và độc đáo của những màn pháo hoa lộng lẫy, huyền ảo, đầy sắc màu được kéo dài trong vòng 25 phút. Mỗi năm, lễ hội thi bắn pháo hoa này thu hút hơn 400,000 lượt khách đến tham dự, góp phần làm cho những tuyến đường của thành phố Vancouver thêm phần sôi động, vui tươi và náo nhiệt.

  • Lễ hội mùa đông Quebec (Quebec Winter Carnival)

Quebec Winter Carnival được đánh giá là lễ hội mùa đông có quy mô lớn nhất thế giới. Lễ hội được tổ chức vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 và kéo dài trong vòng 2 tuần. Lễ hội có rất nhiều hoạt động vui chơi hấp dẫn được diễn ra như trượt tuyết, đắp người tuyết, điêu khắc từ băng tuyết, tắm tuyết, đá bóng khổng lồ, chiếu phim ngoài trời… Đặc biệt, khách tham dự sẽ được chiêm ngưỡng cung điện băng xây bằng tuyết khắc chạm vô cùng công phu tại nơi đây.

  • Lễ hội Hoa Tulip

Khi nhắc đến đất nước Canada, người ta không thể không nhắc đến lễ hội Hoa Tulip. Lễ hội Hoa Tulip được tổ chức tại 2 thành phố Ottawa và Gatineau với hơn 500,000 khách tham dự mỗi năm. Những đóa hoa Tulip xinh đẹp lộng lẫy của xứ sở Hà Lan được gửi tới Canada cùng với hàng triệu cây hoa Tulip trồng tại Canada đã biến nơi đây trở thành địa điểm diễn ra lễ hội hoa Tulip lớn nhất thế giới. 

– Văn hóa thể thao: Bóng chày là môn thể thao lâu đời và là một trong những môn phổ biến nhất ở Canada. Công viên bóng chày lâu đời nhất trên thế giới – Labatt Park, hiện vẫn đang hoạt động tại tỉnh bang Ontario. Bóng đá ở Canada có nguồn gốc từ bóng bầu dục và sau đó đã phát triển thành môn thể thao bóng đá Canada với hình thức, luật lệ hoàn toàn khác quy định chung trên thế giới. Ngoài ra còn có Lacrosse (bóng vợt – biến thể của môn khúc côn cầu), được tuyên bố là môn thể thao quốc gia của Canada vào năm 1859.