Giáo dục thế giới “chuyển mình” sang trực tuyến
Trong khi các quốc gia đang ghi nhận số ca mắc Covid-19 khác nhau, toàn thế giới hiện có hơn 1,2 tỷ trẻ em tại 186 quốc gia bị ảnh hưởng bởi việc đóng cửa trường học.
Không ít quốc gia tiếp tục đóng cửa trường học trở lại, sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 3 bùng phát.
Với sự thay đổi đột ngột này đối với ngành giáo dục toàn cầu, một số người đang tự hỏi, liệu việc áp dụng học trực tuyến có tiếp tục kéo dài sau đại dịch hay không? Và, sự thay đổi đó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lĩnh vực giáo dục toàn cầu?
Ngay cả trước khi Covid-19 bùng phát, công nghệ giáo dục đã có sự phát triển và được ứng dụng nhiều hơn trước. Cụ thể, mức đầu tư cho công nghệ giáo dục trên toàn cầu đạt 18,66 tỷ USD vào năm 2019.
Các chuyên gia dự đoán, thị trường giáo dục trực tuyến có thể đạt 350 tỷ USD trong năm 2025. Cho dù là ứng dụng ngôn ngữ, giảng dạy trực tuyến, các công cụ hội nghị truyền hình hay phần mềm học trực tuyến, có sự gia tăng đáng kể trong việc sử dụng những công cụ này kể từ khi Covid-19 bùng phát.
Giáo dục ứng phó với Covid-19 thế nào?
Để đáp ứng nhu cầu đáng kể, nhiều nền tảng học tập trực tuyến đang cung cấp quyền truy cập miễn phí. Trong đó, các nền tảng bao gồm BYJU’S – Công ty dạy kèm trực tuyến và công nghệ giáo dục có trụ sở tại Bangalore (Ấn Độ) được thành lập vào năm 2011.
BYJU’S hiện là công ty trong lĩnh vực công nghệ giáo dục được đánh giá cao nhất thế giới. Theo Giám đốc BYJU’S – Mrinal Mohit, kể từ khi công bố các lớp học trực tiếp miễn phí trên ứng dụng “Think and Learn” (Nghĩ và học), công ty này đã chứng kiến sự gia tăng trong số lượng sinh viên sử dụng sản phẩm lên 200%.
Trong khi đó, các lớp học trực tuyến của Công ty Tencent đã được ứng dụng rộng rãi kể từ giữa tháng 2. Tình trạng này xuất hiện sau khi Chính phủ Trung Quốc yêu cầu 1/4 tỷ sinh viên chính thức tiếp tục việc học thông qua các nền tảng trực tuyến. Điều này dẫn đến “phong trào trực tuyến” lớn nhất trong lịch sử giáo dục. Cụ thể, có khoảng 730.000 (tương đương 81%) học sinh từ mẫu giáo đến lớp 12 tham gia các lớp học thông qua Trường học trực tuyến Tencent ở Vũ Hán.
Trước bối cảnh này, các công ty khác đang tăng cường khả năng để cung cấp dịch vụ cho giáo viên và học sinh. Ví dụ: Lark là nền tảng hợp tác có trụ sở tại Singapore được công ty mẹ ByteDance phát triển. Ban đầu, nền tảng này được thiết lập như một công cụ nội bộ để đáp ứng sự phát triển của công ty.
Trong thời điểm Covid-19 bùng phát, Lark bắt đầu cung cấp cho giáo viên và sinh viên thời gian hội nghị truyền hình không giới hạn, khả năng dịch tự động. Thậm chí là khả năng đồng chỉnh sửa công việc dự án theo thời gian thực, thiết lập lịch thông minh cùng các tính năng khác. Để thực hiện điều đó một cách nhanh chóng trong thời kỳ khủng hoảng, Lark đã tăng cường cơ sở hạ tầng máy chủ toàn cầu và khả năng kỹ thuật, nhằm bảo đảm kết nối đáng tin cậy.
Trong khi đó, giải pháp đào tạo từ xa của Alibaba – DingTalk, cũng chuẩn bị cho một làn sóng tương tự.
“Để hỗ trợ công việc từ xa quy mô lớn, nền tảng này đã khai thác Alibaba Cloud để triển khai hơn 100.000 máy chủ đám mây mới chỉ trong hai giờ vào tháng 3. Đây là kỷ lục mới về tốc độ mở rộng quy mô”, Giám đốc điều hành DingTalk – Chen Hang, cho biết.
Một số khu học chánh đã nhanh chóng thiết lập quan hệ đối tác độc đáo. Đơn cử như mối quan hệ hợp tác giữa Học khu Thống nhất Los Angeles và PBS SoCal/KCET. Mục đích của họ là cung cấp các chương trình phát sóng giáo dục địa phương, với những kênh riêng biệt tập trung vào nhiều lứa tuổi khác nhau và một loạt tùy chọn kỹ thuật số.
Các tổ chức truyền thông như BBC cũng hỗ trợ học tập trực tuyến. Bitesize Daily – ra mắt vào ngày 20/4, đã cung cấp 14 tuần học tập dựa trên chương trình giảng dạy cho trẻ em trên khắp Vương quốc Anh. Đặc biệt, một số nội dung trong chương trình có sự tham gia giảng dạy của những người nổi tiếng, như cầu thủ bóng đá Sergio Aguero của Manchester City.
Triển vọng đối với tương lai của giáo dục
Một số người tin rằng, việc chuyển sang học tập trực tuyến không có kế hoạch và quá đường đột do Covid-19 sẽ dẫn đến những trải nghiệm tồi tệ cho người dùng. Cụ thể, nền tảng học tập trực tuyến không có sự chuẩn bị trước, không đủ băng thông. Do đó, phương pháp học tập này có thể không mang lại lợi ích cho sự tăng trưởng bền vững.
Trong khi đó, không ít người khác cho rằng, một mô hình giáo dục kết hợp mới sẽ xuất hiện, với những lợi ích đáng kể. Wang Tao – Phó Chủ tịch Tencent Cloud kiêm Phó Chủ tịch Tencent Education, chia sẻ: “Tôi tin rằng, việc tích hợp công nghệ thông tin trong giáo dục sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Và, giáo dục trực tuyến cuối cùng sẽ trở thành một thành phần không thể thiếu của ngành giáo dục”.
Thực tế, hy vọng này hoàn toàn không “viển vông”. Tới nay, có không ít trường đại học chuyển tiếp thành công. Ví dụ: Trường Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) đã thành công trong việc thiết lập hơn 5.000 khóa học trực tuyến chỉ trong hai tuần, sau khi chuyển đổi bằng cách sử dụng “DingTalk ZJU”.
Trường Đại học Hoàng gia London (Anh) cũng cung cấp một khóa học về Covid-19 vào tháng 4. Thời điểm đó, đây từng là lớp học được nhiều người đăng ký nhất ra mắt vào năm 2020 trên Công ty công nghệ Coursera.
Nhiều người đã chào đón những lợi ích của giáo dục trực tuyến. Tiến sĩ Amjad – giảng viên tại Trường Đại học Jordan và là người đã sử dụng Lark để dạy học, cho biết: “Nền tảng trực tuyến đã thay đổi cách thức giảng dạy. Tôi có thể tiếp cận với sinh viên của mình một cách hiệu quả hơn thông qua các nhóm trò chuyện, cuộc họp video, bầu chọn và cả chia sẻ tài liệu, đặc biệt là trong thời kỳ đại dịch này.
Các học sinh của tôi cũng thấy giao tiếp trên Lark dễ dàng hơn. Tôi sẽ gắn bó với Lark ngay cả sau khi Covid-19 kết thúc. Tôi tin rằng, phương pháp học truyền thống và trực tuyến có thể song hành”.
Những thách thức của việc học trực tuyến
Tuy nhiên, ngành giáo dục toàn cầu cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Một số sinh viên không có chất lượng Internet đủ tốt hoặc thiết bị công nghệ cần thiết để tham gia việc học trực tuyến. Đặc biệt, tình trạng này đã nới rộng khoảng cách giữa quốc gia trên thế giới, giữa gia đình trong một đất nước.
Ví dụ, theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong khi 95% học sinh ở Thụy Sĩ, Na Uy và Áo có máy tính để sử dụng và làm bài tập ở trường, chỉ 34% người học ở Indonesia có.
Tại Mỹ, có một khoảng cách đáng kể giữa những người khá giả và người gặp hoàn cảnh khó khăn. Hầu như tất cả thanh thiếu niên 15 tuổi ở gia đình khá giả cho biết, họ có máy tính để làm việc. Trái lại, gần 25% những người có hoàn cảnh khó khăn thì không.
Trong khi một số trường học và chính phủ cung cấp thiết bị kỹ thuật số cho sinh viên có nhu cầu, chẳng hạn như ở New South Wales, Australia, nhiều người vẫn lo ngại rằng, đại dịch sẽ nới rộng khoảng cách về kỹ thuật số.
Học trực tuyến có hiệu quả?
Không ít bằng chứng cho thấy, những người được tiếp cận với công nghệ phù hợp gặp nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn khi học trực tuyến. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, trung bình, sinh viên lưu giữ tài liệu nhiều hơn 25 – 60% khi học trực tuyến so với chỉ 8 – 10% trong lớp. Điều này chủ yếu là do học sinh có thể học trực tuyến nhanh hơn.
Phương pháp trực tuyến cũng yêu cầu thời gian học ít hơn 40 – 60% so với trong môi trường truyền thống. Bởi, học sinh có thể học theo tốc độ của riêng mình, đọc lại, bỏ qua hoặc bỏ qua các khái niệm trong bài.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc học trực tuyến được cho là khác nhau giữa các nhóm tuổi. Sự đồng thuận chung rằng, trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ cần có một môi trường nghiêm túc. Bởi, trẻ em dễ bị phân tâm hơn. Để nhận được lợi ích tối đa của việc học trực tuyến, cần phải có sự nỗ lực trong việc phối hợp.
Qua đó, nhằm vượt ra ngoài việc mang lại một lớp học/bài giảng thông qua video. Theo Dowson Tong – Phó Chủ tịch Điều hành Cấp cao của Tencent và Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Thông minh và Đám mây Tencent, cần sử dụng một loạt công cụ cộng tác và phương pháp tương tác. Nhờ vậy, giúp thúc đẩy “sự hòa nhập, cá nhân hóa và trí tuệ “.
Giám đốc Mrinal Mohit của BYJU’S lấy dẫn chứng, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ em sử dụng nhiều giác quan để học. Do đó, khiến việc học tập trở nên thú vị và hiệu quả thông qua công nghệ là điều vô cùng quan trọng.
“Sau một thời gian, chúng tôi nhận thấy rằng, việc lồng ghép khéo léo các trò chơi đã mang lại sự tương tác cao hơn và tăng động lực học tập, đặc biệt là ở các học sinh nhỏ tuổi. Phương pháp này khiến trẻ thực sự say mê học tập”, ông Mohit cho biết.
Một nền giáo dục thay đổi cấp thiết
Rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã phá vỡ hoàn toàn một hệ thống giáo dục mà nhiều người khẳng định rằng, nó đã mất đi sự phù hợp. Trong cuốn sách “21 bài học cho thế kỷ 21”, học giả Yuval Noah Harari đã nhấn mạnh cách các trường học tiếp tục tập trung vào kỹ năng học thuật truyền thống và học vẹt, thay vì các kỹ năng như tư duy phản biện và khả năng thích ứng – yếu tố thực sự quan trọng cho sự thành công trong tương lai.
Liệu, việc chuyển sang học trực tuyến có thể là chất xúc tác để tạo ra một phương pháp giáo dục mới hiệu quả hơn? Một số người lo lắng rằng, sự vội vàng của quá trình chuyển đổi giáo dục trực tuyến có thể cản trở mục tiêu này. Tuy nhiên, những người khác dự định biến học tập trực tuyến trở thành một phần “bình thường mới” sau khi tận mắt trải nghiệm lợi ích.
Các sự kiện lớn trên thế giới thường là “bước đệm” tạo ra sự đổi mới nhanh chóng. Và, một ví dụ rõ ràng là sự trỗi dậy của thương mại điện tử thời hậu đại dịch SARS. Mặc dù, chúng ta vẫn chưa biết liệu điều này có áp dụng cho giáo dục điện tử thời hậu Covid-19 hay không, nhưng đây là một trong số ít lĩnh vực không ngừng thu hút đầu tư.
Điều đã được làm rõ qua đại dịch này là tầm quan trọng của việc phổ biến kiến thức xuyên biên giới. Nếu công nghệ học trực tuyến có thể đóng một vai trò nào đó ở hiện tại, điều quan trọng là tất cả chúng ta phải khám phá hết tiềm năng của nó.
Theo Dân trí
11 thoughts on “Giáo dục thế giới “chuyển mình” sang trực tuyến”
Comments are closed.